Thang máy “xanh” – xu hướng của tương lai!

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành quốc sách của nhiều quốc gia. Một trong những giải pháp hàng đầu là tiết kiệm năng lượng. Trong xu thế đó, các nhà sản xuất thang máy không ngừng cải tiến, áp dụng công nghệ cao để sản phẩm của mình ngày càng giảm tiêu thụ điện.

Tiết kiệm năng lượng đã trở thành quốc sách

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã được nhiều quốc gia đầu tư thực hiện. Trong các giải pháp TKNL, dán nhãn năng lượng (DNNL) hiện được áp dụng phổ biến bởi nó vừa yêu cầu nhà sản xuất tuân thủ các cam kết về tiết kiệm năng lượng vừa nhắc người tiêu dùng ý thức được việc sử dụng những sản phẩm TKNL. Hiện đã có hơn 120 quốc gia quy định hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các thiết bị và yêu cầu DNNL.

Tại Việt Nam, TKNL là nội dung quan trọng trong chính sách năng lượng quốc gia. Ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 04/2017/QĐ-TTG quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Theo thống kê từ Bộ Công Thương, đã có trên 20.000 chủng loại sản phẩm được DNNL.

Nhãn năng lượng Việt Nam

Ở thời điểm hiện tại hầu hết các thiết bị điện gia dụng như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt và các loại ô tô đều được DNNL. Các loại thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng đã dần được loại bỏ, không còn được sản xuất. Chẳng hạn trước đây, màn hình CRT được dùng rất phổ biến, khi đó, màn hình plasma và LCD được coi như những mặt hàng cao cấp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian, sau khi màn hình led và oled ra đời, các loại màn hình plasma và LCD đã trở thành “đồ cổ”. Do vậy, tiếp cận và hình thành tư duy “xanh” cho ngành thang máy là điều cần thiết nếu không muốn tụt hậu trong tương lai

Các giải pháp tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Trong xu thế bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững, các nhóm giải pháp phải được áp dụng đồng bộ từ khâu sản xuất, sử dụng và thu hồi-tái chế thang máy.

Thứ nhất, về thiết kế, sản xuất thang máy, tại châu Âu, các nhà sản xuất đã xây dựng chiến lược phát triển hiện đại, nhân văn và hướng tới lợi ích cộng đồng. Từ lĩnh vực quản trị, sản xuất, dịch vụ,… đều hướng tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Tất cả các công đoạn từ nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển, sử dụng cho đến cuối vòng đời sản phẩm đều được cân nhắc mức độ ảnh hưởng tới môi trường, phải đạt tiêu chuẩn sử dụng về môi trường xanh. Trong số các nhà sản xuất thang máy châu Âu, Orona đã trở thành thương hiệu thang máy đầu tiên trên thế giới được chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn Ecodesign ISO – 14006 (Hệ thống quản lý môi trường – Hướng dẫn kết hợp thiết kế sinh thái, là một tiêu chuẩn quốc tế quy định các hướng dẫn để giúp các tổ chức thiết lập, lập hồ sơ, thực hiện, duy trì và liên tục cải tiến việc quản lý thiết kế sinh thái của họ như một phần của hệ thống quản lý môi trường).

Thứ hai, về sử dụng, vận hành thang máy, từ lâu, các nhà sản xuất trên thế giới đã tìm tòi nhiều phương án tiết kiệm năng lượng cho thang máy nhưng tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính cho phần cứng và phần mềm điều khiển thang máy.

Thiết bị kiểm soát tiết kiệm năng lượng ReGen SRU-4000 của Hàn Quốc

Theo đó, giải pháp phần cứng áp dụng nhiều tiến bộ công nghệ cho các thiết bị, linh kiện, nguyên vật liệu cấu thành thang máy. Chọn máy kéo không hộp số được nhiều nhà sản xuất áp dụng và hiện nay việc dùng thiết bị này đã trở thành phổ biến. Tiếp đó, tái sinh năng lượng là một tiến bộ vượt trội khác trong công nghệ thang máy tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn thiết bị kiểm soát tiết kiệm năng lượng ReGen SRU-4000 của Hàn Quốc rất được ưa chuộng. Về cơ bản, nó truyền điện tái tạo từ động cơ vào mạng lưới điện nội bộ của tòa nhà để tái sử dụng. Không chỉ thực hiện chức năng tái tạo năng lượng, thiết bị này còn cải thiện tiếng ồn, độ rung và nâng cao sự thoải mái khi sử dụng thang máy. Một giải pháp nữa là giảm nhẹ trọng lượng trong phạm vi cho phép một số thành phần động của thang như cabin, cáp kéo… theo hướng nhỏ gọn, hiệu quả hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn.

Gần đây, thang máy từ trường đã được thử nghiệm thành công, phá vỡ mọi nguyên tắc vận hành truyền thống của thang máy. Công nghệ này cho phép nhiều cabin hoạt động trong 1 giếng thang. Đồng thời thay vì chỉ di chuyển theo chiều dọc, cabin của thang máy từ trường có thể di chuyển theo chiều ngang. Hệ thống này được tính toán là sẽ tiết kiệm tới 60% so với hệ thống thang máy thông thường.

Mô hình hoạt động thang máy từ trường

Trước đó, các nhà sản xuất đã tối ưu hóa thiết kế lại động cơ và các thiết bị phụ trợ để cho ra đời loại thang máy không phòng máy. Các bộ phận khác của thang máy như cửa ra vào, đèn chiếu sáng, quạt thông gió, thiết bị an toàn, điều khiển tự động, cảm biến,… cũng có thể được cải tiến, áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng. Những cải tiến này giúp thang máy tiêu thụ năng lượng ít hơn đáng kể.

Trong nhóm giải pháp phần mềm, phần mềm kiểm soát lựa chọn điểm đến đã được áp dụng tại nhiều công trình lớn tại Việt Nam. Theo tính toán, phần mềm này tăng cường khả năng vận chuyển của hệ thống thang máy tới 30%….

Thứ ba, nhóm giải pháp dành cho thu hồi, tái chế thang máy. Ở nhóm giải pháp này, các nhà sản xuất phải tính đến từ khi thiết kế sản xuất thang máy. Thiết kế sao để thang máy không sớm lạc hậu, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về vận hành, sử dụng an toàn. Chẳng hạn các loại kính, nhựa, vật liệu khác… khó phân hủy sẽcó tác động xấu lâu dài tới môi trường và việc xử lý các loại vật liệu này rất tốn kém.

Cải tiến để phát triển

Hiện nay thang máy tiêu tốn khoảng 4% năng lượng được sản xuất trên toàn cầu, tương đương 2 lần toàn bộ năng lượng sản xuất trong 1 năm của Nga và Nhật Bản cộng lại. Trung bình mỗi chiếc thang máy tiêu tốn khoảng 10% lượng điện của một tòa nhà. Con số này còn tăng lên cùng sự phát triển của ngành xây dựng.

Với lượng năng lượng tiêu thụ lớn như vậy, vấn đề tiết kiệm năng lượng đã trở nên cấp thiết. Các nhà sản xuất thang máy đều đang chạy đua cải tiến từng bước nhằm giảm nguồn năng lượng tiêu thụ mà vẫn đảm bảo công năng và độ an toàn trong vận hành.

Một mẫu thang máy châu Âu tiết kiệm năng lượng

Trong xu hướng tiết kiệm năng lượng toàn cầu, thang máy xanh đang được ngành thang máy đang theo đuổi trong vài năm trở lại đây và còn phát triển mạnh trong tương lai.

Các doanh nghiệp thang máy trên khắp hành tinh đang nỗ lực xây dựng và phát triển các công nghệ và thiết kế mới bền vững và tiêu thụ ít năng lượng hơn. CEO của TK Elevator (Ấn Độ) Manish Mehan nhận định, năm 2022, ngành công nghiệp thang máy sẽ tập trung hơn vào các khía cạnh công nghệ và bền vững của thang máy. Nhưng trọng tâm chính sẽ là Thang máy xanh và những cải tiến để giảm tiêu thụ năng lượng.

Được biết, hiện nay chưa có nhiều nước áp quy định DNNL đối với thang máy. Nhưng với thời đại công nghệ phát triển thì chắc chắn khách hàng sẽ chọn cho mình sản phẩm công nghệ cao, gần gũi với môi trường và tiết kiệm năng lượng nhất. Và việc DNNL là một biện pháp khả thi, phù hợp. Bên cạnh đó, các tiêu chí tối ưu để góp phần tiết kiệm năng lượng được tư vấn cho người tiêu dùng khi mua thang máy là lựa chọn đúng công suất động cơ thang máy, lựa chọn hệ thống đèn chiếu sáng cho thang máy, bảo hành, bảo dưỡng định kỳ…

Tại Việt Nam, thang máy không nằm trong danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên, trong xu hướng tiết kiệm năng lượng toàn cầu, tiết kiệm năng lượng cũng là tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng Việt Nam chọn thang máy.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có chiến lược phát triển hiện đại, nhân văn, bền vững, bảo vệ môi trường và trên hết là hướng tới lợi ích cộng đồng sẽ nhận được sự ủng hộ từ số đông người tiêu dùng. Đó cũng là chiến lược phát triển tất yếu mà các doanh nghiệp trên thế giới đều hướng tới, là xu hướng phát triển tích cực, một “cuộc chạy đua” bảo vệ môi trường mà ai không tham gia sẽ bị tụt hậu, sẽ bị đào thải.

 

 

Tải bảng báo giá