IoT (Internet of Things) là phương thức kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị thông qua các giao thức phần mềm và có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Khi áp dụng trong dịch vụ bảo trì thang máy thì IoT đã mang lại nhiều điểm sáng đáng kể.
Thế giới có 16 triệu thang máy và số lượng thiết bị sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong tương lai. Do vậy, nếu chỉ dựa vào nhân sự sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của ngành đặc thù này. Công nghệ sẽ là yếu tố không thể thiếu để thúc đẩy những cải tiến chất lượng và số lượng. Chúng ta đang nói về IoT.
Ngày nay, sự kỳ vọng của khách hàng về việc bảo trì phải diễn ra nhanh chóng đã tạo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ.
Bảo trì thiết bị là cốt lõi của phương pháp lấy khách hàng làm trung tâm, nhưng việc cung cấp trải nghiệm khách hàng tích cực không thể chỉ thông qua bảo trì khắc phục sự cố (hay còn gọi là xử lý lỗi).
Bảo trì khắc phục sự cố dẫn đến một vòng luẩn quẩn: hỏng hóc thì sửa chữa khẩn cấp, bảo trì theo kế hoạch bị hoãn lại, kế hoạch bảo trì liên tục thay đổi. Việc này dẫn đến lãng phí thời gian và cả tài nguyên, đôi khi dẫn đến việc khách hàng không hài lòng.
Điều đó cho thấy, nếu dự đoán được lỗi sẽ là ý tưởng tuyệt vời. Một khi cảm biến trong thang máy phát hiện những sự cố nhỏ có nguy cơ tạo ra lỗi lớn, tín hiệu sẽ được gửi đến trung tâm để cảnh báo. Nó là những con số dữ liệu rất có ý nghĩa và nó cho chúng ta biết nhiều thứ.
Kết quả nghiên cứu về thị trường thang máy do Công ty Tư vấn Toàn cầu Roland Berger thực hiện đã cho thấy các công nghệ mới mang lại tiềm năng giảm chi phí đáng kể và giúp tăng lợi nhuận.
Bảo trì khắc phục sự cố sẽ trở thành dĩ vãng, dẫn đến chi phí dịch vụ thấp hơn. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hoạt động là một sự đảm bảo cho sự hài lòng cao hơn của khách hàng.
Bởi thế, IoT có khả năng “tăng trưởng vàng” trong ngành thang máy.
Sử dụng phân tích dữ liệu tiên tiến khiến số cuộc gọi báo sự cố thấp hơn và rút ngắn đáng kể thời gian khắc phục sự cố. Không chỉ vậy, các nhà cung cấp dịch vụ và bảo trì độc lập có thể dự tính về sự “hao mòn” của các linh kiện thang máy.
Việc kiểm tra trực tiếp đối với thang máy của khách hàng sẽ thay bằng chẩn đoán từ xa.
Khi đầu tư vào giám sát thang máy dựa trên IoT, các doanh nghiệp cần đánh giá xem chi phí hàng năm cho khoản đầu tư đó có thể mang lại nhiều giá trị hơn so với việc tiết kiệm chi phí và tăng thêm doanh thu hay không.
Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chỉ phải đối mặt với hai yếu tố chi phí chính để hoàn thành mô hình hợp đồng toàn diện: bảo trì thường xuyên và bảo trì ngoài kế hoạch.
Một công thức đơn giản có thể giúp dự đoán phần lớn chi phí cần bỏ ra:
Đây là phần lớn chi phí mà một nhà cung cấp dịch vụ phải đối mặt để thực hiện cam kết theo hợp đồng mỗi năm
Đầu tư vào giải pháp thang máy thông minh cần giải quyết các chi phí này và tăng hiệu quả hoạt động hoặc thêm doanh thu/cơ hội kinh doanh.
Các giải pháp như Franz (chỉ có ở Bắc Mỹ) được thiết kế để cung cấp thông tin và hướng dẫn nguyên nhân gốc rễ cho các thành phần bị lỗi hoặc có dấu hiệu hỏng.
Franz có tính năng giám sát 24/7, thu thập dữ liệu dựa trên hiệu suất hoạt động của thang máy. Dữ liệu này có thể được cung cấp cho khách hàng thông qua một cổng thông tin tùy chỉnh do nhà cung cấp dịch vụ vận hành.
Các nghiên cứu trong ngành cho thấy các doanh nghiệp có quy mô vừa đến lớn sẵn sàng trả thêm 10 – 20% giá trị hợp đồng dịch vụ hàng năm cho những thông tin chi tiết này.
Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ có thể giảm chi phí để thực hiện các hợp đồng và tăng doanh thu.
Cùng tham khảo Franz – một ứng dụng IoT giúp tối ưu giá trị hợp đồng:
Giải pháp bảo trì dựa trên IoT giám sát các bộ phận quan trọng của thang máy
Giải pháp Franz tại nơi làm việc, bao gồm cổng, cảm biến và lớp phần mềm
Chế độ xem trên máy tính để bàn của Franz soltion
Chế độ xem Digital Twin trong bảng điều khiển kỹ thuật viên di động có thể giúp xác định lỗi hỏng hóc
Tại Việt Nam, xu hướng ứng dụng IoT trong dịch vụ bảo trì thang máy cũng đã bắt đầu phát triển với một số đơn vị như GamaLift, Kone. Chuyên gia kỹ thuật của GamaLift cho biết, với tổng số gần 6.000 thang máy công ty này đã lắp đặt trên toàn quốc, việc ứng dụng IoT trong kiểm soát vận hành và bảo trì thang sẽ giúp doanh nghiệp này tiết kiệm được lượng chi phí và nhân công rất lớn, cùng đó là tối ưu dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, thời gian tới GamaLift sẽ áp dụng đồng bộ ứng dụng này cho các công trình thang máy công ty này lắp đặt và bảo trì.
Từ trung tâm điều khiển Gama Service, thông qua máy tính hoặc điện thoại, kỹ thuật viên có thể quan sát được hiện trạng bảng điều khiển của thang máy
Qua quá trình thử nghiệm, lịch sử các sự cố của thang máy cho phép dự đoán tình trạng thang máy và kỹ thuật viên có thể đưa ra các phương án xử lý hiệu quả nhất
Interlift 2022 là triển lãm số một Châu Âu về ngành sản xuất thang máy, đã diễn ra từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 4 tại Augsburg, Đức. Sự kiện này đã giành được sự công nhận trong ngành thang máy và hơn 570 công ty triển lãm cũng như khoảng 1300 khách tham quan chuyên nghiệp tham dự sự kiện này.
Interlift 2022 là triển lãm lớn nhất và có ảnh hướng nhất trong ngành thang máy. Một loạt các công nghệ tự động hóa tiên tiến sẽ được triển lãm trong các lĩnh vực công nghiệp được yêu cầu nhiều nhất:
Hơn nữa, các khách tham dự được cung cấp “Insight” về nhiều giải pháp hiện đại và xu hướng thang máy của năm qua nhiều sự kiện bên lề phong phú.
Khảo sát nhanh cho thấy có đến 86% khách truy cập bày tỏ ý định rất cao về việc tham gia lại và sẽ giới thiệu triển lãm với mọi người.
Khác với các năm trước, Interlift 2022 tập trung vào các sản phẩm châu Âu nhiều hơn: 32% (2019: 29%), các công ty tham gia đến từ Đức; 64% từ các nước châu Âu khác và 4% từ châu Á và Mỹ.
Bình luận của các bên triển lãm.
Achim Hutter – Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ nâng (VFA)
“Triển lãm là khởi đầu mới của ngành. Nếu nhìn theo phương diện này, triển lãm năm nay là lần triển lãm quan trọng nhất kể từ khi nó được thành lập 31 năm trước
Peio Garciandia – ORONA – Giám đốc Đối ngoại, Orona
“Trong thời điểm đầy thách thức này, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải gặp gỡ trực tiếp và duy trì mối liên hệ của mình. Cuộc giao lưu này sẽ là sự kiện châu Âu lớn nhất từ trước đến nay. Mọi người nên có mặt tại sự kiện này!”
Một số hình ảnh của buổi triển lãm diễn ra trong 3 ngày 26 – 29/4
Tạp chí Thang máy Châu Âu khai mạc Diễn đàn Hiệp hội Công nghệ nâng với Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Quy định – Luca Borgonov, nói về các quy định quản lý điều chỉnh thang cuốn và thang băng chuyền hiện tại
Trong chương trình Diễn đàn VFA, Carsten Henriksen (Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn & Quy chuẩn Ela) và Luca Pezzini (Tổng thư ký, Hiệp hội Thang máy Châu Âu ELA) đã có tham luận với chủ đề: “Quy định về Sản phẩm máy móc mới và tác động của nó đối với ngành công nghiệp nâng ”. Bài phát biểu sau đó có chủ đề “Cải thiện an toàn thang máy của các thang máy hiện có”, do Willem G. Kasteleijn (LiftInstituut) đưa ra.
Trong ngày cuối cùng 29/4, những bài phát biểu thú vị trong không gian dành riêng cho Diễn đàn VFA đã được trình bày.
Đại diện của Jonas Conrady của cơ quan chứng nhận chất lượng và an toàn TÜV SÜD đã chia sẻ về “Ảnh hưởng Brexit đối với ngành thang máy và những trải nghiệm đầu tiên từ quan điểm của một cơ quan được thông báo”, một chủ đề mà tác giả cũng đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Thang máy Thế giới.
Achim Hütter (VFA-Interlift) nói về thị trường thang máy Đức trong một bài phát biểu.
Interlift 2022 diễn ra từ ngày 26-29/4. Triển lãm được thành lập vào năm 1991 và được tổ chức hai năm một lần tại Trung tâm triển lãm quốc tế Augsburg, Đức. Đây là triển lãm lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhất đến ngành thang máy trên thế giới về sản xuất máy móc thang máy, bộ phận và phụ tùng thang máy. Triển lãm là nơi các công ty thang máy gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tạo cơ hội hợp tác, đàm phán cùng phát triển, Đặc biệt, sau hơn hai năm rưỡi dịch bệnh Covid diễn ra thì đây là một cú hích cho ngành thang máy toàn cầu./.
Theo quy định, thang máy phải được bảo trì định kỳ trong suốt quá trình sử dụng. Cụ thể: thang máy gia đình tối thiểu 3 tháng/lần và thang máy tòa nhà tối thiểu 1 tháng/lần. Vậy có những loại hình bảo trì thang máy như thế nào?
Sự phát triển của các loại hình bảo trì
Bảo trì khắc phục sự cố là dạng bảo trì rất cơ bản và truyền thống. Về cơ bản, bảo trì khắc phục sự cố nghĩa là chỉ xử lý vấn đề khi có lỗi, hỏng hóc. Mặc dù được áp dụng rộng rãi, dạng bảo trì này có hại cho đơn vị cung cấp dịch vụ bởi vì:
– Tăng thời gian thang máy dừng hoạt động
– Tăng chi phí bảo trì
– Giảm chất lượng dịch vụ khách hàng
– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ rất bị động
– Không kịp thời xử lý sự cố
Quy trình bảo trì khắc phục sự cố
Bảo trì phòng ngừa thì tốt hơn bảo trì khắc phục sự cố. Loại hình này tập trung vào việc kiểm tra thiết bị định kỳ để phòng ngừa các vấn đề có thể xảy ra cho thiết bị. Ưu điểm có thể kể đến của loại hình bảo trì phòng ngừa là thời gian thiết bị bị hỏng, không hoạt động được rút ngắn. Nhờ được bảo trì định kỳ có thể kéo dài tuổi thọ của thiết bị. Bên cạnh đó, bảo trì Phòng ngừa cũng khuyến khích an toàn lao động và tuân thủ luật an toàn lao động. Cuối cùng, bảo trì Phòng ngừa giúp tăng hiệu quả hoạt động, thiết bị trong tình trạng tốt thì hoạt động tốt hơn. Nhược điểm của bảo trì này là tốn chi phí đầu tư ban đầu để giữ cho thiết bị trong tình trạng tốt. Hơn nữa, có thể xảy ra trường hợp sự cố xảy ra bất ngờ và xảy ra trước kỳ bảo trì tiếp theo dẫn đến tình trạng thêm chi phí phát sin. Bên cạnh đó, việc mất thời gian và các nguồn tài nguyên khác như nguồn nhân lực để bảo trì khi không xảy ra sự cố gì cũng là lí do khiến cho bảo trì Phòng ngừa không phải là loại hình bảo trì lí tưởng.
Loại bảo trì này cần thiết phải sử dụng cảm biến để gửi tín hiệu đến công ty bảo trì khi thiết bị đã vào thời kì xuống cấp. Mặc dù là tiền thân của bảo trì dự đoán, việc bảo trì tùy theo tình trạng có một hạn chế: không thật sự chính xác. Bằng việc bảo trì tùy theo tình trạng, công ty bảo trì chỉ nhận được thông báo khi thiết bị có dấu hiệu rõ ràng cần phải bảo trì.
Quy trình bảo trì theo tình trạng
Cuối cùng là loại bảo trì dự đoán, dựa trên công nghệ phức tạp để phát hiện những dấu hiệu sớm nhất của một lỗi tiềm ẩn nào đó. Rất nhiều cảm biến được sử dụng kết hợp với các thiết bị thu nhận, phân tích tín hiệụ và phân tích thông số của thiết bị và sau đó gửi báo cáo cho công ty bảo trì.
Ở loại bảo trì này, IoT – Internet vạn vật đóng vai trò quan trọng.
Áp dụng cảm biến cho quá trình bảo trì dự đoán
Giải pháp bảo trì dự đoán này cho phép chúng ta chủ động cho bất kì lỗi nào cho thiết bị bằng cách thu thập dữ liệu về hoạt động của thang, xử lí và phân tích dữ liệu với thuật toán được tích hợp trong hệ thống IoT và thể hiện một cách rõ ràng, dễ hiểu.
Sử dụng bảo trì dự đoán cùng với IoT cho phép chúng ta nhận thấy được các vấn đề tiềm ẩn ở thiết bị và xử lí kịp thời, từ đó phòng tránh được hoàn toàn các lỗi và hỏng hóc. Loại bảo trì này ngăn ngừa tổn thất lớn về chi phí, danh tiếng và pháp lý cho doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn không thể tưởng tượng được với cách tiếp cận truyền thống “chỉ sửa chữa khi xảy ra hỏng hóc”.
Công nghệ bản sao số (Digital twins)
Bảo trì dự đoán giúp các kỹ sư xác định chính xác thời điểm thiết bị cần bảo trì. Thường thì quá tốn kém hoặc thậm chí không thể tạo ra các lỗi cần thiết để lên một thuật toán bảo trì dự đoán trên máy thực tế. Một giải pháp cho thách thức này là sử dụng dữ liệu hiện trường từ máy đang hoạt động hoàn toàn để điều chỉnh mô hình 3D và tạo ra một bản sao kỹ thuật số. Sau đó, bản sao kỹ thuật số có thể được sử dụng để thiết kế một thuật toán phát hiện thời điểm cần bảo trì dự đoán để triển khai cho bộ điều khiển của thiết bị thực tế. Quá trình có thể được tự động hóa, cho phép điều chỉnh nhanh chóng với các điều kiện khác nhau. Lợi ích của phương pháp này là:
– Tăng tốc độ phân tích thông tin. Với vật thể kỹ thuật số, thuật toán có thể tạo ra một phân tích điều kiện trong tích tắc và cũng có thể đưa ra nhiều gợi ý xử lý.
– Khả năng thử nghiệm. Với một bản sao kỹ thuật số, khả năng mô phỏng thử nghiệm thực tế là vô tận. Bạn có thể mô phỏng bất kỳ loại tình huống nào tại chỗ, áp dụng nó cho bản sao kỹ thuật số của mình và nhận báo cáo chi tiết về kết quả dự đoán.
Bảo trì là yếu tố quan trọng trong việc giữ độ an toàn và tuổi thọ cho thang máy. Một thang máy được bảo trì đúng cách có thể có tuổi thọ lên tới 30 năm. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương pháp bảo trì phòng ngừa hoặc dự đoán để tối ưu chi phí và tăng độ tin cậy cũng như tuổi thọ cho thang máy./.
Đối với nhiều người, thang máy là phương tiện, là sự sang trọng, là tiện ích cao cấp cho một căn nhà…Nhưng đối với người già thì thang máy có nhiều ý nghĩa hơn thế. Bởi đó còn là cầu nối tới quá khứ, giúp kết nối quá khứ với hiện tại hay tạo những khoảng trời riêng mà người cao tuổi cần có.
Bất ngờ một khoảng trời riêng
Sau hàng chục năm bôn ba ở nước ngoài rồi về công tác trong một cơ quan nhà nước, đến lúc nghỉ hưu bà T mang nặng tâm tư với nhiều xáo trộn. Không còn những buổi đi về, trao đổi, sinh hoạt với đồng nghiệp khiến con người ta rơi vào cảm giác cô đơn đến ngác ngơ. Người góa phụ đã dành hết những năm tháng thanh xuân của tuổi trẻ để nuôi nấng con cái trưởng thành. Bởi thế, ngoài gia đình thì bạn bè, đồng nghiệp giống như những người thân mang lại niềm vui thường trực cho bà.
Nhà có nhiều tầng nhưng giờ bà T chỉ thu mình vào căn phòng ở tầng 1 để đọc sách, xem ti vi… và cố gắng làm cho mình bận rộn. Nhưng sự nhàn nhã vẫn “hành hạ” bà mỗi ngày và dòng thời gian dường như đang trôi rất chậm. Thêm vào đó, tuổi già đã làm cho xương khớp dần lão hóa khiến việc nhấc chân lên từng bậc thang cũng khó khăn hơn đối với bà. Chưa kể, việc trượt chân, té ngã luôn tiềm ẩn đằng sau những bậc thang dài mà bà cũng ngại khi mỗi lần muốn lên các tầng phía trên.
Thang máy đã giúp mở ra những “khoảng trời riêng” cho người già…
Thế rồi, bỗng một ngày trong nhà xuất hiện thêm một vật lạ lùng. Chiếc thang máy được con bà lắp vào giếng trời của căn nhà rộng rãi, vốn được bà và ông tích cóp cả đời. Những ngày đầu, phương tiện lạ lẫm ngày giúp bà năng lên các tầng trên hơn và nó giúp bà mở rộng không gian sinh hoạt ngoài mấy mét vuông ở tầng 1. Bà sửa căn phòng trên tầng 5 thành một không gian rộng rãi, tràn đầy ánh sáng. Và nơi đây đã trở thành “trung tâm văn hóa”, khoảng trời riêng của bà, là nơi bà gặp lại các đồng nghiệp vào cuối tuần, nơi bà chơi đùa cùng con cháu…
Cầu nối với quá khứ
Người già thường sống với ký ức dù buồn hay vui và khi thang máy xuất hiện đã trở thành vật dụng cực kỳ hữu ích đối với họ.
Vị tướng quân đội về hưu trải lòng, ông cũng giữ được nhiều kỷ vật gắn liền mỗi cuộc chiến cùng đồng đội và gần 50 năm binh nghiệp. Thế nhưng từ nhiều năm nay ông phải cất vào kho vì ngại leo lên tầng trên trong căn nhà nhiều tầng được xây dựng từ 10 năm trước.
Giờ thay vì mua một căn hộ chung cư như ý tưởng ban đầu, ông đã lắp chiếc thang máy loại tốt cho căn nhà của mình. Có chiếc thang máy như có thêm “đôi chân thứ hai” để ông hàng ngày lên tầng trên ngắm lại kỷ vật của một thời chinh chiến.
…là cầu nối hiện tại và quá khứ!
Ánh mắt của vị tướng già sáng lên khi kể về những người đồng đội đã cùng vào sinh ra tử cùng những kỷ vật thời chiến vô giá. Đó là bộ quân phục đã phai màu, những bức thư gửi từ hậu phương, chiếc bát sắt tróc men của người đồng đội để lại hay vài vỏ đạn còn phảng phất mùi khét của chiến trường thuở nào…
Chúng tôi hiểu, chiếc thang máy đã không chỉ giúp ông khắc chế được vài căn bệnh của tuổi già. Nó còn là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, mang lại cho ông những ngày tháng vui vẻ bên bạn bè. Nó cũng giúp ông có thể thường xuyên đắm chìm trong thế giới bảo tàng của riêng mình, được ngửi lại mùi không khí của một thời oanh liệt.
Tuổi già thường gắn liền với những hoài niệm về quá khứ, về những năm tháng rực rỡ nhất của tuổi trẻ. Bởi vậy, được sống với ký ức họ mới trở lại là chính mình.
Lời tòa soạn
Thang máy là vật dụng vô tri vô giác nhưng với mỗi hoàn cảnh nó mang lại những giá trị và cảm xúc khác nhau. Người già, lứa tuổi mà cơ thể đã dần suy yếu các chức năng vận động thì thang máy là phương tiện vô cùng hữu ích để đi lại giữa các tầng. Những “nỗi đau” về xương, khớp của tuổi già được hóa giải. Nó cũng tạo cơ hội để người già mở rộng không gian sống, tìm lại được ký ức của quá khứ, của một thời tuổi trẻ.
Bên cạnh đó, có không ít những ngôi nhà cao tầng của người già nằm ở những vị trí thuận lợi về mặt giao thông hoàn toàn có thể tạo ra những lợi nhuận đáng kể. Và để làm được như vậy thì thang máy sẽ trở thành yếu tố bắt buộc cần phải có trong ngôi nhà. Khi có thang máy, nó đã giúp những không gian dư thừa trở nên rất có giá trị khi được cho thuê. Thậm chí, nếu điều kiện cho phép, thang máy có thể giúp chủ nhà mở rộng diện tích lên thêm 1-2 tầng nữa. Việc đầu tư cho diện tích mới này nhỏ hơn rất nhiều nếu mua thêm căn hộ hoặc mua nhà mới.
Có câu nói vui mà đúng thế này: Trẻ cậy cha, già cậy…tủ! Ở cái tuổi xế chiều, độc lập về vấn đề kinh tế cũng là sự trăn trở của rất nhiều người già. Họ không muốn bị phụ thuộc, bị coi là “ăn bám” vào con, cháu. Bởi vậy, dựa trên ngôi nhà – tài sản của họ đang sở hữu, nếu tạo ra được những giá trị kinh tế sẽ giúp người già yên tâm hơn, cải thiện cuộc sống chất lượng hơn và thảnh thơi hơn.
Còn quí vị có suy nghĩ thế nào?
Vị trí đặt thang máy trong một ngôi nhà là vô cùng quan trọng. Nó quyết định tới công năng, tổng thể kiến trúc căn nhà và ảnh hưởng không nhỏ tới những người sống trong ngôi nhà đó. Nhưng bạn đã biết gì về việc chọn vị trí?
Sai một ly, đi… tiền tỷ!
Anh Nguyễn Hoàng ở quận Hoàng Mai, có ngôi nhà 5 tầng được xây dựng từ gần chục năm về trước. Khi đó, để tận dụng tối đa diện tích, anh đã bố trí hố chờ thang máy vào vị trí giếng trời ở chính giữa ngôi nhà. Tuy nhiên, đến nay khi sửa chữa để chuyển đổi công năng sang làm văn phòng cho thuê thì vị trí lắp đặt thang máy lại rất bất hợp lý.
Giải pháp được đưa ra là phá dỡ cầu thang bộ lẫn giếng trời, di chuyển chúng vào góc của ngôi nhà. Chi phí phải trả cho công việc phức tạp này đã lên tới tiền tỷ, bằng gần một nửa số tiền xây mới theo tính toán.
Để chuyển vị trí thang máy từ giữa vào góc nhà, anh Hoàng đã tốn tiền tỷ!
Một chuyên gia xây dựng đã chia sẻ rằng trường hợp như của anh Hoàng không phải là hiếm. Khi lên thiết kế bản vẽ và bắt tay vào xây dựng ngôi nhà, nếu thiếu “tầm nhìn” về mục đích sử dụng trong tương lai thì rất có thể công trình đó sẽ sớm trở nên lỗi thời. Việc sửa đổi ngôi nhà để lắp đặt thang máy sẽ không đơn giản là đội chi phí của gia chủ lên nhiều lần mà còn ảnh hưởng tới kết cấu tổng thể. Và khi đó, “tiền mất tật mang” nếu có xảy ra cũng không phải là điều khó hiểu.
Không thể bỏ qua phong thủy
Với người Á Đông, yếu tố phong thủy là rất quan trọng khi thực hiện xây mới hoặc sửa chữa lại một ngôi nhà. Phong thủy vừa là khoa học, vừa là một phương pháp trấn an tinh thần cho gia chủ. Thang máy khi được lắp đặt vào trong ngôi nhà, nó vừa chiếm một không gian nhất định lại vừa tạo ra sự thay đổi về luồng không khí khi di chuyển giữa các tầng của ngôi nhà. Khi hoạt động, thang máy còn tạo ra tiếng ồn nhất định. Điều này ít nhiều sẽ tác động tới sức khỏe và tinh thần của gia chủ.
Bởi thế, lắp đặt thang máy hướng nào để vừa đạt yếu tố thẩm mĩ nhưng lại vừa phù hợp khoa học phong thủy là điều mà những kiến trúc sư thường xuyên lưu ý. Bên cạnh đó, một chút ở góc độ tâm linh thì cũng có những điều cần quan tâm. Nơi thờ tự sẽ đặt ở vị trí cao nhất trong ngôi nhà, thường là tầng thượng. Và ở các tầng bên dưới đó, người ta thường kiêng kị những vật chuyển động và tạo ra tiếng ồn. Thang máy thuộc trường hợp này.
Vì thế mà vị trí lắp đặt thang máy cần phải được sắp xếp hợp lý.
Khi thiết kế vị trí đặt thang máy, yếu tố phong thủy được đưa vào một cách có chừng mực, phù hợp, đảm bảo hài hoà với điều kiện thực tế của ngôi nhà.
Một chiếc thang máy được bố trí cạnh cầu thang bộ
Yếu tố hàng đầu khi chọn vị trí thang máy dựa trên công năng sử dụng của các tầng, các phòng trong toàn bộ ngôi nhà. Các vị trí đặt thang máy được các kiến trúc sư ưa thích là trong lòng cầu thang bộ, cạnh cầu thang bộ, góc nhà, hoặc ngoài trời…Mỗi vị trí đều có các ưu điểm, nược điểm riêng.
Chẳng hạn nếu đặt thang máy trong lòng cầu thang bộ, thì thang bộ sẽ không cần tay vịn. Đây là một khoản tiết kiệm chi phí không nhỏ. Nhưng trong nhiều trường hợp thang máy sẽ bịt mất giếng trời khiến căn nhà trở nên không còn thông thoáng.
Hay nếu đặt thang máy bên cạnh thang bộ sẽ đảm bảo yếu tố về sinh khí trong phong thuỷ. Không gian trong nhà càng thông thoáng, đón ánh sáng tốt tạo sự thông thoáng, sang trọng cho ngôi nhà. Nhưng nhược điểm là cần diện tích lớn, chi phí tốn kém hơn cho tay vịn thang bộ….
Các tham khảo vị trí từ thực tế
Theo kiến trúc sư Hoàng Sơn – Công ty tư vấn kiến trúc Zennos, nếu đơn thuần dưới góc nhìn kiến trúc, thang máy hay thang bộ nên đặt ở vị trí phù hợp theo công năng, tiết kiệm diện tích và thuận lợi di chuyển cho người sử dụng.
Thang máy tuyệt đẹp được bố trí trong lòng thang bộ của căn biệt thự tại Hà Nội
Như công trình văn phòng ở phố thường có diện tích không lớn thì thang nên đặt ở góc của tòa nhà, để tận dụng tối đa không gian rộng rãi, linh hoạt cho sàn văn phòng. Đối với nhà ở dân dụng, khách sạn, khu lưu trú thì có thể lưu ý để thang máy ở giữa khoảng liên kết các phòng ngủ để người sử dụng tiếp cận các phòng được tiện lợi nhất. Đồng thời cũng tiết kiệm diện tích giao thông của công trình.
Cũng theo kiến trúc sư Hoàng Sơn, những công trình có công năng đặc thù như nhà văn hóa, bảo tàng thì vị trí thang lại phụ thuộc nhiều vào ý đồ thiết kế dẫn dắt không gian của kiến trúc sư. Lúc đó không còn đặt nặng vào chuyện tiết kiệm diện tích, tính dễ tiếp cận của thang mà nó phụ thuộc vào các yếu tố mang tính nghệ thuật khác. Dưới góc nhìn kiến trúc, thang máy của các công trình này cần được đặt một cách có văn hóa, tinh tế, phù hợp. Bên cạnh đó thì cấu trúc, màu sắc, các đặc điểm nổi bật của thang phải hòa hợp với không gian và ý tưởng sáng tạo của người thiết kế.
Đặc biệt, nếu điều kiện cho phép thì việc lắp đặt thang máy kính ngoài trời sẽ giúp cho ngôi nhà trở nên sang trọng, hiện đại một cách đặc biệt. Gia chủ có thể vừa di chuyển, vừa quan sát không gian tổng thể xung quanh, tăng trải nghiệm tốt khi di chuyển ngay tại chính ngôi nhà của mình.
Một khách sạn tại phố Đường Thành – Hà Nội có thang máy ngoài trời
Với những công trình cải tạo, nếu có thể bố trí lắp đặt thang máy ngoài trời sẽ nâng cao giá trị sử dụng, phát huy công năng sử dụng của toàn bộ ngôi nhà mà không phá vỡ cấu trúc hiện có của ngôi nhà.
Thực tế, công năng đóng vai trò quan trọng nhất khi tính tới vị trí của thang máy. Nhưng bên cạnh đó, yếu tố nghệ thuật cũng cần được chú ý bởi nó thể hiện được “cá tính” của gia chủ. Theo KTS Nguyễn Đức – CEO Công ty TDI Architecture, thang máy trong tổng thể kiến trúc giao thoa giữa công năng, công nghệ cho đến cả yếu tố văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật. Đôi khi nó còn là yếu tố về điểm nhấn. Vì thế, chọn vị trí thang máy trong một căn nhà nhiều khi thể hiện “cái tôi” (cá tính) của chủ nhà.
Như câu chuyện của chủ tịch một tập đoàn công nghệ thông tin, khi xây ngôi nhà của mình theo phong cách cổ điển châu Âu, anh nhờ một chuyên gia người Tây Ban Nha giúp. Và chiếc thang máy được đặt nguyên chiếc tại Ý có màu vàng sang trọng, khắc tên chủ nhà trong cabin được đặt ở một vị trí trang trọng, nổi bật trong không gian cổ điển với nhiều đồ “độc bản”…
Thang máy là thiết bị công nghệ cao, vật dụng cao cấp và đắt tiền trong ngôi nhà. Nó có tuổi thọ cao và không dễ thay thế, có khi gắn bó trọn đời người. Vì thế nên việc chọn vị trí thang máy khi xây mới hay cải tạo nhà là điều vô cùng quan trọng.
Những tham khảo từ các kiến trúc sư, các chuyên gia xây dựng khi chọn vị trí thang máy sẽ giúp người dùng tối ưu được lợi ích và nâng cao chất lượng sống của gia đình mình./.
Thang máy gia đình đã dần trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Nhưng có lẽ không nhiều người ý thức được đây là mặt hàng thuộc danh mục nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Và phải kiểm định thế nào, lưu ý những gì chính là cách mà người tiêu dùng cần hết sức lưu tâm để tự bảo vệ mình và người thân trong gia đình.
Theo đó, thang máy dù nhập khẩu hay sản xuất cũng cần đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật cũng như các công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định.
Ngoài việc tuân thủ quy định, việc kiểm định thang máy cũng mang đến lợi ích cho chính người tiêu dùng – không phải ai cũng có chuyên môn về kỹ thuật để có thể nhận định được tình trạng của sản phẩm, đặc biệt là với thang máy, một sản phẩm có đặc tính kỹ thuật cao. Việc kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy được thực hiện bởi một đơn vị độc lập đối với lần đầu tiên và theo định kỳ những lần tiếp theo. Những chuyên gia này sẽ thay người tiêu dùng thẩm định:
– Hồ sơ, lý lịch thang máy. Thực tế đã có không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng làm giả hồ sơ, lý lịch thang máy, phổ biến nhất là chứng nhận hợp quy thang máy – thủ tục bắt buộc để sản phẩm được lưu hành trên thị trường.
– Giám định chất lượng thiết bị sau quá trình lắp đặt, vận hành (kiểm định lần đầu); giám định hiện trạng chất lượng thiết bị trong quá trình sử dụng (kiểm định định kỳ, kiểm định bất thường)
– Tìm ra các lý do khiến thang máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật, kiến nghị giải pháp khắc phục.
Từ đó có thể đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả thang, dự báo các vấn đề về kỹ thuật để bảo trì, sửa chữa nếu cần nhằm kéo dài tuổi thọ của thang.
Kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy hoàn toàn hướng đến lợi ích của người tiêu dùng. Nó chính là “hàng rào kỹ thuật” giúp bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình mua bán, sử dụng với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ thang máy.
Kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy (sau đây gọi tắt là kiểm định thang máy) là hoạt động đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn thang máy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Sau khi kiểm tra, nếu thang máy hoạt động bình thường, đảm bảo các quy chuẩn về an toàn thì sẽ được dán tem kiểm định. Đây là một trong các hoạt động bắt buộc phải thực hiện với sản phẩm thang máy để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm thực hiện kiểm định thang máy là các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, sở hữu thang máy.
Trong đó, ở điều kiện 2, thang máy được đánh giá phù hợp quy chuẩn sẽ được xác nhận thông qua giấy chứng nhận hợp quy như hình dưới đây:
Đơn vị kiểm định thang máy:
Đó là các đơn vị được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn. Ví dụ:
– Các đơn vị được Cục An toàn lao Động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép: Trung tâm Kiểm định KTAT khu vực I; Trung tâm Kiểm định KTAT khu vực II; công ty CP Kiểm định kỹ thuật, an toàn và TVXD; Trung tâm kiểm định CN I; Trung tâm Kiểm định và huấn luyện KTATLĐ TP. HCM; và một số doanh nghiệp xã hội.
– Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn Quân đội trực thuộc Bộ Quốc Phòng.
– Trung tâm Kiểm định công nghiệp I; Trung tâm Kiểm định công nghiệp II; Trung tâm Kiểm định công nghiệp III của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương.
Chuẩn bị kiểm định:
– Tổ chức kiểm định và Cơ sở đề nghị kiểm định cùng phối hợp: Thống nhất kế hoạch kiểm định, chuẩn bị các điều kiện phục vụ kiểm định và cử người tham gia, chứng kiến kiểm định.
– Cơ sở đề nghị kiểm định: Chuẩn bị hồ sơ, lý lịch và các tài liệu có liên quan đến thang máy.
– Tổ chức kiểm định và Cơ sở đề nghị kiểm định cùng phối hợp: Thống nhất thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; Trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm định.
Hồ sơ, lý lịch thang máy:
– Lý lịch thang máy
– Giấy chứng nhận hợp quy (kiểm tra đối với trường hợp kiểm định lần đầu)
– Giấy chứng nhận kiểm định, biên bản kiểm định đã được cấp (không kiểm tra đối với trường hợp kiểm định lần đầu)
– Hồ sơ bảo trì
– Hồ sơ bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế (nếu có)
– Hồ sơ thiết kế, hoàn công xây dựng giếng thang (kiểm tra đối với thang máy lắp đặt, kiểm định lần đầu)
Xử lý kết quả kiểm định:
a) Lập biên bản kiểm định với đầy đủ nội dung theo mẫu quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
b) Thông qua biên bản kiểm định
c) Ghi tóm tắt kết quả kiểm định vào lý lịch của thang máy (ghi rõ họ tên kiểm định viên, ngày tháng năm kiểm định).
d) Nhập kết quả kiểm định vào cơ sở dữ liệu để in tem kiểm định và Giấy chứng nhận kết quả kiểm định (nếu có quy định).
đ) Dán tem kiểm định: Khi kết quả kiểm định thang máy đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, kiểm định viên dán tem kiểm định cho thiết bị. Tem kiểm định phải được dán ở vị trí dễ quan sát.
e) Cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm định:
– Khi thang máy có kết quả kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định cho thang máy trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thông qua biên bản kiểm định tại cơ sở.
– Khi thang máy có kết quả kiểm định không đạt các yêu cầu thì chỉ thực hiện các bước nêu tại điểm a và điểm b nói trên, trong đó phải ghi rõ lý do thang máy không đạt yêu cầu kiểm định, kiến nghị cơ sở khắc phục và thời hạn thực hiện các kiến nghị đó; đồng thời gửi biên bản kiểm định và thông báo về cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương nơi lắp đặt, sử dụng thang máy.
Chế tài xử lý vi phạm không kiểm định thang máy:
Điều 23, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (có hiệu lực từ 15/04/2020) đối với thang máy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm định thiết bị: Phạt từ 2 đến 3 lần tổng chi phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm (tính theo mức giá tối thiểu do cơ quan có thẩm quyền quy định) nhưng không thấp hơn 20.000.000 đồng và tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Ngoài chế tài xử lý vi phạm khi không thực hiện hoạt động kiểm định thang máy theo quy định, việc không kiểm định thang máy cũng khiến người tiêu dùng gặp rủi ro với doanh nghiệp cung cấp thang máy làm giả hồ sơ, lý lịch thang máy như CO, CQ, giấy chứng nhận hợp quy,…
Đồng thời, quá trình sử dụng thang máy với các đơn vị bảo hành, bảo trì thang máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật thì đơn vị kiểm định sẽ thực sự thực hiện chức năng trở thành “hàng rào kỹ thuật” cho người tiêu dùng.
Chính vì vậy, chủ sở hữu thang máy, quản lý vận hành thang máy cần nghiêm túc thực hiện quy định kiểm định thang máy, vừa thực hiện đúng quy định pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi của mình.
“Của thế gian đãi người ngoan thiên hạ”. Doanh nghiệp bền chí, kiên tâm, cứ đi đường dài rồi sẽ biết!
Làn sóng khởi nghiệp dâng cao, nhiều doanh nghiệp trẻ nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trên thương trường bằng những bước tiến lớn. Thế nhưng, Mai Linh, Thái Hòa, TNG hay HQC đều phải thừa nhận bản thân các doanh nghiệp này từng phải “bóc ngắn cắn dài”, dùng nợ ngắn hạn để đầu tư dài hạn và lún sâu vào hiện trạng khủng hoảng thanh khoản sau tăng trưởng nóng.
Nếu nhìn lại con số tăng trưởng GDP trong vòng 10 năm qua sẽ thấy một thực tế: Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước nhưng tổng năm sau lại thấp hơn năm trước. GDP cũng lên xuống từng năm như đồ thị hình sin.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên (Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) từng nhận định rằng điều này phản ánh trạng thái khác thường của động lực phát triển: luôn cố gắng tối đa để đạt thành tích tăng trưởng ngắn hạn, trong khi tăng trưởng dài hạn lại có vấn đề.
Cũng vì vậy, đây chính là căn bệnh thành tích của cả nền kinh tế khi mà những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trẻ không tạo ra sự phát triển bền vững. Nó chỉ như những cú hích “xốc” doanh nghiệp từng nhịp, từng nhịp. Còn nội lực phát triển của doanh nghiệp thì ở đâu mà người ta chưa quan tâm đúng mức hay không dám nhìn thẳng vào sự thật?
Bởi thế, người tiêu dùng có thể gặp tình huống những doanh nghiệp “rất hot” tại thời điểm nào đó, nhưng trước và sau lại thấy nó chìm nghỉm trên thương trường.
Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp là khẳng định giá trị cốt lõi của mình. Tôi cho là như vậy.
Có một quy luật gọi là “quy luật mười nghìn giờ”. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng trong những điều kiện thông thường, một người bình thường kiên trì làm một loại công việc gì đó, sau nhiều nhất là mười nghìn giờ người ấy sẽ đạt đến trình độ thành thạo như một chuyên gia trong công việc ấy.
Không có gì khó hiểu bởi “trăm hay không bằng tay quen” và thời gian cộng với trải nghiệm sẽ tạo ra sự thành thục cho một công việc. Nói rộng hơn thì nó dường như cũng đúng với một doanh nghiệp, thể hiện qua năng lực hiện trường của doanh nghiệp.
Năng lực hiện trường là khả năng doanh nghiệp đưa nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ của mình vào thử nghiệm và thực tế nhằm đánh giá sự phù hợp, sự tối ưu và hoàn thiện sản phẩm cho đến khi đạt chất lượng tốt nhất trước khi cung cấp cho khách hàng.
Chu trình nghiên cứu – thử nghiệm – phản hồi – cải tiến – thử nghiệm càng được thực hiện kĩ lưỡng thì năng lực hiện trường của doanh nghiệp càng cao, khả năng vượt qua “3 lần cửa tử” và tiếp tục phát triển càng mạnh mẽ.
Năng lực hiện trường sẽ quyết định đến mức độ “bền vững”của doanh nghiệp
Nhưng để thành kỳ lân, thành hiện tượng, thì ít nhiều doanh nghiệp sẽ phải “trải qua 3 lần cửa tử”.
Lùi lại chỉ hơn 100 năm trước, con người không bao giờ nghĩ đến khung cảnh ngành hàng không phát triển rực rỡ như hiện tại. “Cửa tử” đầu tiên có lẽ là những cậu bé nhảy từ cửa sổ với mong muốn “cất cánh như những chú chim” nhưng thất bại. Anh em nhà Wright đã tiên phong đón nhận hai “cửa tử” tiếp theo với hai chuyến bay đầu tiên của mình, lần lượt chỉ với 12 giây và 59 giây.
Chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright đã từng nhận được nhiều sự giễu cợt
bởi những người không cho đó là ý tưởng vĩ đại
Ngay cả “đế chế” Disney cũng suýt “chết đói” đến dăm ba lần mới đạt được thành công như hôm nay. Rồi J. K. Rowling “sa lầy” trong 18 lần gửi bản thảo Harry Potter đi khắp nơi mới được xuất bản.
Nói vậy để thấy khi một doanh nghiệp “start up” sẽ đúng với câu vạn sự khởi đầu nan. Nhưng trong nguy có cơ, thách thức càng lớn thì cơ hội cũng càng cao. Nếu trải qua “3 lần cửa tử” càng sớm thì tôi tin là doanh nghiệp cũng sớm hoàn thành “mười nghìn giờ” để đạt tới thành công.
Ý tưởng ban đầu có thể rất ngớ ngẩn, mơ hồ hoặc thậm chí điên rồ, nhưng chẳng phải những thành tựu lớn nhất ngày nay đều đến từ những thứ điên rồ ngớ ngẩn đó sao. Sherlock Holmes cũng chỉ là câu chuyện nhất thời cho mục đích kiếm sống của Arthur Conan Doyle trong lúc cố gắng viết những tác phẩm hàn lâm.
Hay mua bán trực tuyến (online shopping) vào năm 1994 là một ý tưởng điên rồ thì nó cũng đã mang đến doanh số bán hàng tăng 2300% /năm cho Jeffrey Preston Bezos – người sáng lập, CEO và chủ tịch của công ty công nghệ đa quốc gia Amazon.
Một mầm cây dù chăm bẵm đến đâu cũng cần có thời gian để sinh trưởng. Sự chăm chút và đầu tư quá lớn cũng không thể khiến một hạt mầm trở thành cây đại thụ trong một sớm một chiều.
Doanh nghiệp làm kinh tế cũng như vậy.
Ắt không phải tự nhiên người xưa nói “Người bảy mươi học người bảy mốt”, thời gian luôn mang đến những trải nghiệm và bài học riêng mà dù đi tắt, bỏ bước cũng khó lòng vượt qua được.
Một chu kỳ kinh doanh (business cycle) thường kéo dài 5 – 7 năm, trong mỗi chu kỳ này sẽ có những yếu tố bên trong (văn hóa doanh nghiệp, nguồn nhân lực, nguồn tài chính, máy móc thiết bị,…) và các yếu tố bên ngoài (chính trị, chính sách, đối thủ cạnh tranh,…) tương đối ổn định để doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Tuy nhiên, sau một chu kỳ kinh doanh, các yếu tố trong và ngoài đều có nhiều thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc, mạnh dạn phá bỏ hệ tư duy cũ đã không còn phù hợp. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, thời gian của một chu kỳ sẽ có xu hướng giảm xuống khoảng 3 – 4 năm.
Chu kỳ vòng đời phát triển mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần trải qua
Điều đó có nghĩa, tồn tại được qua từng chu kỳ kinh doanh đều là thách thức với mỗi doanh nghiệp. Tương tự như kỳ thi chuyển cấp, doanh nghiệp có thể đạt được thành tích cao tại giai đoạn đầu của chu kỳ hoặc những chu kỳ đầu tiên, nhưng vẫn có thể “ngã gục” ở những giai đoạn và chu kỳ tiếp theo.
Bởi thế, “đường dài mới biết ngựa hay”, một doanh nghiệp tồn tại lâu năm không chỉ cho thấy uy tín doanh nghiệp bền vững, mà còn cả tiềm năng phát triển ổn định trong tương lai. Doanh nghiệp trẻ cứ đi, với giá trị cốt lõi bền vững, với hoạch định rõ ràng và không ngừng nỗ lực cải tiến, thích nghi với thị trường.
“Của thế gian đãi người ngoan thiên hạ”. Ai người khôn, ai kẻ ngoan, cứ đi rồi mới biết!
Khi xác định kích thước lắp đặt thang máy để đáp ứng nhu cầu của hành khách ở một mức hiệu suất xác định, nhà thiết kế lưu lượng thang máy chỉ định số lượng thang máy, tốc độ định mức, thời gian mở cửa, v.v., cộng với số lượng hành khách trung bình (P) sẽ được vận chuyển trong mỗi chuyến. Nhà thiết kế điều chỉnh sự thay đổi thống kê về số lượng hành khách bằng cách ước tính số lượng hành khách tối đa (Pmax) được vận chuyển bằng cách sử dụng công thức:
Sau đó, bạn có thể thấy trên tem thang dán trong cabin thể hiện 17 hành khách. Nhưng thực tế thì chúng ta lại thường thấy cabin không tải đủ số hành khách thể hiện trên tem thang.
Tem thang cho biết tải trọng định mức (Q) và xác định số lượng hành khách tối đa (Pmax) có thể được vận chuyển an toàn theo công thức từ Tiêu chuẩn châu Âu EN 81-20:2020 (Tiêu chuẩn ISO 8100-1:2019):
và kết quả làm tròn xuống số nguyên gần nhất.
Số 75 bắt nguồn từ giả định một người nặng trung bình 150lb (68kg) và đứng trong một diện tích 2ft2 (0,186m2). Giả định này được đưa ra vào tháng 7 năm 1935 bởi Hội đồng Quốc gia về Công nghiệp Xây dựng của Anh, trong đó nêu rõ là tem thang phải được dán ở vị trí dễ thấy và ít nhất phải có các đặc điểm:
(i) Tải trọng tối đa của thang (chở hàng) tính bằng đơn vị tạ hoặc lbs (tính bằng pound).
(ii) Tải trọng tối đa của thang (chở khách), trong đó quy ước mỗi khách nặng trung bình 150lbs (68kg).
Ủy ban tiêu chuẩn Châu Âu (CEN – European Committee for Standardization) đã cập nhật và tăng ước tính này lên 75kg trong lần sửa đổi tiêu chuẩn BSI/EN 81 vào năm 1985.
Hình 1: Trích từ Quy tắc 1943 Tải trọng định mức, khối lượng
Vào tháng 5 năm 1943, Hội đồng Quốc gia về Công nghiệp Xây dựng của Anh đã sửa đổi Quy tắc thực hành cho thang máy điện tải hàng và tải khách (Code of Practice for Electric Passenger & Goods Lifts and Escalators – COP) năm 1935 của họ để bao gồm một biểu đồ, như được thể hiện trong Hình 1. Biểu đồ này hiển thị một biến phụ thuộc trên trục tung bên phải là số lượng hành khách và trên trục tung bên trái là trọng lượng của chúng tính bằng pound (lb). Biến độc lập là trục hoành chính là diện tích sàn cabin. Trọng lượng hành khách giả định vẫn là 150lb cho mỗi hành khách. Đường kẻ biểu thị mối quan hệ giữa tải trọng định mức và diện tích sàn cabin.
Biểu đồ là phi tuyến tính và bắt đầu với tải sàn cabin ở 75lb/ft2 và kết thúc ở 120lb/ft2 (xem chú thích của Hình 1). Hội đồng đã đưa ra sự phi tuyến tính này vào năm 1943, vì lo sợ rằng có quá nhiều người sẽ lên các thang máy lớn hơn và quá tải. Các phiên bản của biểu đồ này đã được đưa vào tiêu chuẩn BS2655, Phần 1:1958.
Những người viết tiêu chuẩn năm 1985 đã lấy Bảng 1 và chọn một dãy số Renard và với một số thao tác, tạo ra Bảng 1.1. Bảng 6 trong cả tiêu chuẩn EN 81-20:2020 và ISO 8100-1:2019 đều giống với Bảng 1.1 năm 1985 và được trình bày ở trên như Bảng 1.
Bảng 1: Bảng 6 từ tiêu chuẩn EN 81-20:2020
Số lượng hành khách định mức (làm tròn xuống), với hành khách nặng 75kg, có thể chứa ở cột 3/7. Trong cột 4/8, bạn sẽ thấy không gian mà mỗi hành khách được phân bổ.
Hành khách trên cabin tải trọng 450kg có không gian cá nhân là 0,22m2 (1,30/6), nhưng hành khách trên cabin tải trọng 2500kg có không gian cá nhân là 0,15m2 (5,00/33). Khoảng không hành khách không bị thu hẹp lại khi cabin ngày càng lớn hơn. Hành khách bắt đầu xâm nhập vào không gian cá nhân của người khác (được hiển thị gạch ngang trong Hình 2). Cuối cùng, không còn khoảng trống (đường liền nét trong Hình 2). Hành khách không chịu được điều này và cảm thấy khó chịu.
Hình 2: Có chỗ cho một người nữa không?
Công thức trước đây được sử dụng không còn ý nghĩa nữa. Hãy áp dụng tính tuyến tính để tạo nên công thức mới.
Tôi đã đề xuất trong Hướng dẫn D:1993 của Tổ chức Kỹ sư Dịch vụ Tòa nhà (CIBSE), rằng “diện tích đứng” cho một người nặng 75kg phải là 0,21m2. Điều này hiện đã được trích dẫn rộng rãi và được chấp nhận.
Áp dụng yêu cầu không gian này, diện tích cabin cho một cabin 33 người sẽ là 6,93m2 (33 × 0,21).
Điều tôi đề xuất ở đây là diện tích tối đa có sẵn cho một tải trọng định mức cụ thể nên được tăng lên để phù hợp với số lượng hành khách chứ không phải trọng lượng của họ.
Bảng 6 trong tiêu chuẩn EN 81-20/ISO 8100 sẽ được sửa đổi để phản ánh thực tế tuyến tính.
Đối với một loạt các tải trọng định mức, Bảng 2 cho thấy số lượng hành khách tối đa được phép mà mỗi hành khách nặng 75kg và diện tích cabin tối đa có sẵn được yêu cầu là 0,21m2 cho mỗi hành khách.
Bảng 2: Đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn EN 81-20, Bảng 6, cho thang máy cáp kéo và thang máy thủy lực
Bảng thông số trong cabin không nên thể hiện số lượng hành khách. Lý do là trọng lượng trung bình của một hành khách thay đổi tùy theo quốc gia và khu vực trên thế giới. Xem Hướng dẫn CIBSE D:2020, Bảng A2.2 về Chỉ số Diện tích Cơ thể (Body Area Index – BAI), tiêu chuẩn EN 81-20:2020, Bảng 8, cho biết số lượng hành khách và diện tích cabin tối thiểu hiện có, hiện đã dư thừa và có thể xóa được.
Bảng 7 trong tiêu chuẩn EN 81-20:2020 tăng không gian cho mỗi tải trọng định mức, nhưng ít khi sử dụng. Ví dụ trong tiêu chuẩn có chỉ ra mối liên hệ giữa hai biến: tải trọng định mức và diện tích khả dụng. Do đó, thang máy với tải trọng 6000kg cần có khung cabin, giảm chấn, thắng cơ, v.v., phù hợp với thang 11.300kg
Ví dụ nên đặt hai câu hỏi:
– “Cần có không gian nào để chứa tải trọng 6000kg?”
– “Tải trọng định mức nào có thể chứa trong thang máy với diện tích cabin khả dụng là 19,04m2?”
Các câu trả lời, bằng cách sử dụng Bảng 2:
– 16,8m2
– 6.800kg
Không. Tải trọng định mức luôn là biến số an toàn chính. Lấy tải trọng định mức và chia cho 75 rồi nhân với 0,21 sẽ được diện tích cabin khả dụng cần thiết. Ngoài ra, nếu biết diện tích cabin, tải trọng định mức nhận được bằng cách chia diện tích cabin cho 0,21 và nhân với 75kg.
Ngày nay, các thiết bị cân tải trọng hiện đại giúp ngăn chặn mọi trường hợp quá tải, ví dụ như nếu hàng hóa nặng được đưa lên cabin.
Do đề xuất tăng diện tích cabin hiện có này, chúng ta có thể:
– Vận chuyển nhiều người hơn trong các cabin và có thể tiết kiệm năng lượng cho cùng một tải trọng định mức.
– Vận chuyển cùng một số lượng người trong thang máy với tải trọng định mức thấp hơn.
– Thiết kế xác định số lượng hành khách trung bình được chuyên chở là 13,6 người. Số lượng hành khách tối đa theo (1) là 17,0 hành khách. Từ Bảng 2, thang máy có tải trọng định mức là 1275kg sẽ được chọn.
– Hiện đại hóa thang máy với diện tích dành cho cabin là 3,47m2. Tải trọng định mức mới sẽ là bao nhiêu và có thể vận chuyển bao nhiêu hành khách?
Thêm vào Bảng 2, thang máy phải có tải trọng định mức là 1240kg. Trung bình nó có thể vận chuyển 16,5 hành khách. Trong thực tế, tải trọng thang máy sẽ là 1275kg.
Tiêu chuẩn Châu Âu EN 81-20:2020 (trước đây là tiêu chuẩn EN 81-20:2014) với tiêu đề Quy tắc an toàn trong cấu tạo và lắp đặt thang máy – Phần 20: Thang máy chở người và hàng hóa được qui định bởi Ủy ban tiêu chuẩn Châu Âu (CEN). Gần đây, CEN đã làm việc chặt chẽ với Ủy ban Kỹ thuật liên quan của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế, ISO, chuyển đổi tiêu chuẩn EN 81-20/50 sang các tiêu chuẩn ISO với các qui định giống hệt nhau dưới tên gọi tương ứng là ISO 8100-1:2019 và ISO 8100-2:2019./.
Sự ra đời của thang máy kính là một bước đột phá về chất liệu trong thiết kế thang máy. Không còn là những khối kim loại cứng nhắc, không gian khép kín, thang máy trở nên “mở” hơn để kết nối với không gian kiến trúc ngôi nhà. Nhưng chống nóng thế nào?
Thang máy kính có thể lắp đặt ở cả trong và ngoài ngôi nhà, tùy theo yêu cầu thiết kế thang máy của người dùng. Thang máy lồng kính lắp đặt ngoài trời thường được thiết kế có hướng cửa tầng lắp đặt vào tường nhà và ba phía còn lại tạo ra không gian quan sát ra bên ngoài và thang thường được đặt ở vị trí nhiều bóng râm nhất trong ngôi nhà. Ưu điểm vượt trội của thang máy lồng kính là có thể vừa di chuyển kết hợp với ngắm cảnh quan xung quanh, chính vì thế, dòng thang máy này còn được gọi là thang máy quan sát.
Thang máy kính lắp đặt bên ngoài ngôi nhà giúp tiết kiệm diện tích
Lựa chọn lắp đặt bên ngoài ngôi nhà giúp gia chủ tiết kiệm được diện tích, đặc biệt phù hợp với những ngôi nhà có cảnh quan bên ngoài đẹp như sân vườn, núi, biển,… Tuy nhiên, nó cũng khiến người sử dụng e ngại khi ánh nắng mùa hè có thể làm nóng cabin thang máy, đặc biệt tại Việt Nam khi có thời gian mùa hè kéo dài, mức độ nắng nóng cao.
Vậy làm thế nào để khắc phục được tình trạng buồng thang máy bị nóng lên vào mùa hè hay cách chống nắng, chống tăng nhiệt cho thang? Dưới đây là một số giải pháp cơ bản giúp người tiêu dùng có thể giảm lượng nhiệt cho cabin vào mùa hè.
Ngoài việc lựa chọn vị trí lắp đặt thang máy nhằm thuận lợi di chuyển, đảm bảo an toàn kỹ thuật thì việc lựa chọn vị trí cũng là một giải pháp giúp buồng thang máy giảm lượng nhiệt hấp thu.
Chọn vị trí lắp đặt nhiều bóng râm, tránh hướng nắng trực tiếp. Đặc biệt tại Việt Nam, người sử dụng nên tránh việc lắp đặt theo hướng Tây vì đây là hướng mặt trời lặn, thời gian đón ánh nắng dài, ánh sáng chiếu thẳng vào bên trong tạo cảm giác nóng bức và ngột ngạt.
Ngoài ra tại vị trí lắp đặt này cũng có thể trồng cây, lắp đặt thêm mái che, lưới che,… Đây cũng là một trong các giải pháp hiệu quả ngay lập tức để giảm lượng nhiệt buồng thang máy kính hấp thu.
Phim cách nhiệt được ví như lá chắn nhiệt, có đặc tính chống lại bức xạ của ánh sáng mặt trời, làm mát vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông. Phương pháp này phần nào cũng làm cabin giảm hấp thu nhiệt, người đứng trong cabin cũng không bị chói mắt và nắng nóng khó chịu chiếu trực tiếp vào người. Bên cạnh đó, nó còn giúp duy trì độ sáng mà không ảnh hưởng đến độ trong suốt của kính, tiết kiệm điện năng.
Khi sử dụng phim cách nhiệt, người dùng cũng cần lưu ý dán đúng với vị trí hướng ánh sáng mặt trời chiếu vào thang máy để hạn chế tối đa tác động của nhiệt độ tới không gian bên trong thang máy. Nếu sử dụng miếng dán sai vị trí sẽ không có tác dụng che chắn ánh nắng mặt trời cũng như chống nóng hiệu quả.
Thang máy lồng kính được sử dụng trong gia đình ở vị trí có nhiều ánh sáng có thể gây nóng trong cabin
Vì là thang máy lồng kính trong suốt nên khi hoạt động ban ngày, người dùng không cần sử dụng đèn, điện chiếu sáng. Giải pháp này giúp người dùng tiết kiệm được chi phí điện năng và việc giảm lượng nhiệt độ trong buồng thang máy. Đây là một lợi ích thiết thực cho thang máy và môi trường.
Để cân đối nhiệt độ trong thang máy lồng kính, người tiêu dùng có thể trang bị thêm điều hòa, quạt thông gió. Đối với những dòng thang máy nhỏ như thang máy gia đình, ít người sử dụng thì nên trang bị quạt tự động có công suất phù hợp với không gian trong cabin. Còn đối với những thang máy có kích thước lớn, nhiều người sử dụng thang thì nên lắp điều hòa để giúp giảm nhiệt độ, thoáng mát và lưu thông không khí. Tuy nhiên, khi sử dụng điều hòa cần lưu ý điều chỉnh mức nhiệt độ phù hợp để cân đối nhiệt độ trong cabin và môi trường bên ngoài, cùng đó là tối ưu lượng điện năng sử dụng. Nhiệt độ phù hợp cũng tránh tình trạng sốc nhiệt, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sử dụng.
Quạt thông gió trong cabin thang máy cần thiết cho mọi loại thang, và đặc biệt hữu ích trong giảm nhiệt của thang máy kính
Bảo trì, bảo dưỡng thang máy là điều cần làm định kỳ theo quy định, việc này nhằm đảm bảo thang máy vận hành ổn định và đề phòng các sự cố xảy ra.
Việc bảo trì, bảo dưỡng thang máy này cũng đảm bảo các thiết bị hoạt động tốt, thay thế nếu cần thiết khi linh kiện, thiết bị bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thời tiết hoặc vận hành sai công suất, sai mức nhiệt,… dẫn đến tỏa nhiệt, tốn nhiên liệu.
Người dùng cần đảm bảo thiết bị thang máy trong trạng thái hoạt động tốt nhất, mọi bộ phận dù là nhỏ nhất đều hoạt động bình thường, chất lượng và hiệu quả. Chỉ khi nào các bộ phận hoạt động chuẩn xác, trong điều kiện tốt nhất thì mới tránh được những hỏng hóc, tránh được tình trạng phát sinh nhiệt bất thường và từ đó giúp thang máy có thể vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bảo trì, bảo dưỡng thang máy thường xuyên, đúng quy định là điều cần thiết
Các giải pháp chống nóng tốt không chỉ đem lại không gian hoàn hảo để sử dụng thang máy mà còn để nâng cao giá trị cho thiết bị thang máy lồng kính khi ứng dụng trong mỗi công trình. Bên cạnh đó, các giải pháp này còn giúp chúng ta duy trì độ bền bỉ lý tưởng cho thiết bị. Lựa chọn giải pháp chống nóng cho thang máy lồng kính hợp lý giúp mang lại không khí dễ chịu bên trong cabin thang máy, giúp người dùng có được quá trình sử dụng thang máy thuận lợi và thoải mái.
Không chỉ với thang máy lồng kính mà các thiết bị thang máy khác, các thiết bị khác hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao vào mùa hè cũng cần được chú trọng vấn đề làm mát, giảm nhiệt khi hoạt động để kéo dài tuổi thọ cho thiết bị.
Mới đây, tại trụ sở Tạp chí Thang máy, đã diễn ra lễ công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ.
Theo quyết định này, nhà báo Nguyễn Hải Nguyên được bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban biên tập Tạp chí Thang máy từ ngày 28/4/2022.
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã trao quyết định bổ nhiệm cho nhà báo Nguyễn Hải Nguyên. Chúc mừng và giao nhiệm vụ cho tân Phó Trưởng Ban biên tập Tạp chí Thang máy, Chủ tịch VNEA đánh giá, Tạp chí Thang máy mới ra đời nhưng đã có bước tiến đáng khích lệ, có nhiều tin bài chuyên sâu về ngành thang máy, được đông đảo độc giả trong ngoài ngành đón nhận và đánh giá cao.
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (bên trái) trao quyết định bổ nhiệm cho nhà báo Nguyễn Hải Nguyên
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh, là tạp chí chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam, Tạp chí Thang máy gánh trách nhiệm nặng nề, cung cấp những thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; giới thiệu, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước, tham mưu chính sách liên quan đến ngành… Do đó, vai trò của Ban Biên tập và cá nhân nhà báo Nguyễn Hải Nguyên rất quan trọng trong việc xây dựng tạp chí phát triển lớn mạnh, xứng đáng với tầm vóc tạp chí của ngành thang máy, thúc đẩy sự phát triển của ngành trong sự phát triển của đất nước, cùng Hiệp hội Thang máy Việt Nam góp phần tham mưu cho các cơ quan quản lý xây dựng chính sách, quy định của ngành hiệu quả, đi vào cuộc sống…
Nhà báo Nguyễn Hải Nguyên sinh ngày 1/4/1983. Trước khi công tác tại Tạp chí Thang máy, từng làm việc tại Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành quốc sách của nhiều quốc gia. Một trong những giải pháp hàng đầu là tiết kiệm năng lượng. Trong xu thế đó, các nhà sản xuất thang máy không ngừng cải tiến, áp dụng công nghệ cao để sản phẩm của mình ngày càng giảm tiêu thụ điện.
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã được nhiều quốc gia đầu tư thực hiện. Trong các giải pháp TKNL, dán nhãn năng lượng (DNNL) hiện được áp dụng phổ biến bởi nó vừa yêu cầu nhà sản xuất tuân thủ các cam kết về tiết kiệm năng lượng vừa nhắc người tiêu dùng ý thức được việc sử dụng những sản phẩm TKNL. Hiện đã có hơn 120 quốc gia quy định hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các thiết bị và yêu cầu DNNL.
Tại Việt Nam, TKNL là nội dung quan trọng trong chính sách năng lượng quốc gia. Ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 04/2017/QĐ-TTG quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Theo thống kê từ Bộ Công Thương, đã có trên 20.000 chủng loại sản phẩm được DNNL.
Nhãn năng lượng Việt Nam
Ở thời điểm hiện tại hầu hết các thiết bị điện gia dụng như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt và các loại ô tô đều được DNNL. Các loại thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng đã dần được loại bỏ, không còn được sản xuất. Chẳng hạn trước đây, màn hình CRT được dùng rất phổ biến, khi đó, màn hình plasma và LCD được coi như những mặt hàng cao cấp. Tuy nhiên, chỉ một thời gian, sau khi màn hình led và oled ra đời, các loại màn hình plasma và LCD đã trở thành “đồ cổ”. Do vậy, tiếp cận và hình thành tư duy “xanh” cho ngành thang máy là điều cần thiết nếu không muốn tụt hậu trong tương lai
Trong xu thế bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững, các nhóm giải pháp phải được áp dụng đồng bộ từ khâu sản xuất, sử dụng và thu hồi-tái chế thang máy.
Thứ nhất, về thiết kế, sản xuất thang máy, tại châu Âu, các nhà sản xuất đã xây dựng chiến lược phát triển hiện đại, nhân văn và hướng tới lợi ích cộng đồng. Từ lĩnh vực quản trị, sản xuất, dịch vụ,… đều hướng tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Tất cả các công đoạn từ nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển, sử dụng cho đến cuối vòng đời sản phẩm đều được cân nhắc mức độ ảnh hưởng tới môi trường, phải đạt tiêu chuẩn sử dụng về môi trường xanh. Trong số các nhà sản xuất thang máy châu Âu, Orona đã trở thành thương hiệu thang máy đầu tiên trên thế giới được chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn Ecodesign ISO – 14006 (Hệ thống quản lý môi trường – Hướng dẫn kết hợp thiết kế sinh thái, là một tiêu chuẩn quốc tế quy định các hướng dẫn để giúp các tổ chức thiết lập, lập hồ sơ, thực hiện, duy trì và liên tục cải tiến việc quản lý thiết kế sinh thái của họ như một phần của hệ thống quản lý môi trường).
Thứ hai, về sử dụng, vận hành thang máy, từ lâu, các nhà sản xuất trên thế giới đã tìm tòi nhiều phương án tiết kiệm năng lượng cho thang máy nhưng tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính cho phần cứng và phần mềm điều khiển thang máy.
Thiết bị kiểm soát tiết kiệm năng lượng ReGen SRU-4000 của Hàn Quốc
Theo đó, giải pháp phần cứng áp dụng nhiều tiến bộ công nghệ cho các thiết bị, linh kiện, nguyên vật liệu cấu thành thang máy. Chọn máy kéo không hộp số được nhiều nhà sản xuất áp dụng và hiện nay việc dùng thiết bị này đã trở thành phổ biến. Tiếp đó, tái sinh năng lượng là một tiến bộ vượt trội khác trong công nghệ thang máy tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn thiết bị kiểm soát tiết kiệm năng lượng ReGen SRU-4000 của Hàn Quốc rất được ưa chuộng. Về cơ bản, nó truyền điện tái tạo từ động cơ vào mạng lưới điện nội bộ của tòa nhà để tái sử dụng. Không chỉ thực hiện chức năng tái tạo năng lượng, thiết bị này còn cải thiện tiếng ồn, độ rung và nâng cao sự thoải mái khi sử dụng thang máy. Một giải pháp nữa là giảm nhẹ trọng lượng trong phạm vi cho phép một số thành phần động của thang như cabin, cáp kéo… theo hướng nhỏ gọn, hiệu quả hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Gần đây, thang máy từ trường đã được thử nghiệm thành công, phá vỡ mọi nguyên tắc vận hành truyền thống của thang máy. Công nghệ này cho phép nhiều cabin hoạt động trong 1 giếng thang. Đồng thời thay vì chỉ di chuyển theo chiều dọc, cabin của thang máy từ trường có thể di chuyển theo chiều ngang. Hệ thống này được tính toán là sẽ tiết kiệm tới 60% so với hệ thống thang máy thông thường.
Mô hình hoạt động thang máy từ trường
Trước đó, các nhà sản xuất đã tối ưu hóa thiết kế lại động cơ và các thiết bị phụ trợ để cho ra đời loại thang máy không phòng máy. Các bộ phận khác của thang máy như cửa ra vào, đèn chiếu sáng, quạt thông gió, thiết bị an toàn, điều khiển tự động, cảm biến,… cũng có thể được cải tiến, áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng. Những cải tiến này giúp thang máy tiêu thụ năng lượng ít hơn đáng kể.
Trong nhóm giải pháp phần mềm, phần mềm kiểm soát lựa chọn điểm đến đã được áp dụng tại nhiều công trình lớn tại Việt Nam. Theo tính toán, phần mềm này tăng cường khả năng vận chuyển của hệ thống thang máy tới 30%….
Thứ ba, nhóm giải pháp dành cho thu hồi, tái chế thang máy. Ở nhóm giải pháp này, các nhà sản xuất phải tính đến từ khi thiết kế sản xuất thang máy. Thiết kế sao để thang máy không sớm lạc hậu, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về vận hành, sử dụng an toàn. Chẳng hạn các loại kính, nhựa, vật liệu khác… khó phân hủy sẽcó tác động xấu lâu dài tới môi trường và việc xử lý các loại vật liệu này rất tốn kém.
Hiện nay thang máy tiêu tốn khoảng 4% năng lượng được sản xuất trên toàn cầu, tương đương 2 lần toàn bộ năng lượng sản xuất trong 1 năm của Nga và Nhật Bản cộng lại. Trung bình mỗi chiếc thang máy tiêu tốn khoảng 10% lượng điện của một tòa nhà. Con số này còn tăng lên cùng sự phát triển của ngành xây dựng.
Với lượng năng lượng tiêu thụ lớn như vậy, vấn đề tiết kiệm năng lượng đã trở nên cấp thiết. Các nhà sản xuất thang máy đều đang chạy đua cải tiến từng bước nhằm giảm nguồn năng lượng tiêu thụ mà vẫn đảm bảo công năng và độ an toàn trong vận hành.
Một mẫu thang máy châu Âu tiết kiệm năng lượng
Trong xu hướng tiết kiệm năng lượng toàn cầu, thang máy xanh đang được ngành thang máy đang theo đuổi trong vài năm trở lại đây và còn phát triển mạnh trong tương lai.
Các doanh nghiệp thang máy trên khắp hành tinh đang nỗ lực xây dựng và phát triển các công nghệ và thiết kế mới bền vững và tiêu thụ ít năng lượng hơn. CEO của TK Elevator (Ấn Độ) Manish Mehan nhận định, năm 2022, ngành công nghiệp thang máy sẽ tập trung hơn vào các khía cạnh công nghệ và bền vững của thang máy. Nhưng trọng tâm chính sẽ là Thang máy xanh và những cải tiến để giảm tiêu thụ năng lượng.
Được biết, hiện nay chưa có nhiều nước áp quy định DNNL đối với thang máy. Nhưng với thời đại công nghệ phát triển thì chắc chắn khách hàng sẽ chọn cho mình sản phẩm công nghệ cao, gần gũi với môi trường và tiết kiệm năng lượng nhất. Và việc DNNL là một biện pháp khả thi, phù hợp. Bên cạnh đó, các tiêu chí tối ưu để góp phần tiết kiệm năng lượng được tư vấn cho người tiêu dùng khi mua thang máy là lựa chọn đúng công suất động cơ thang máy, lựa chọn hệ thống đèn chiếu sáng cho thang máy, bảo hành, bảo dưỡng định kỳ…
Tại Việt Nam, thang máy không nằm trong danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên, trong xu hướng tiết kiệm năng lượng toàn cầu, tiết kiệm năng lượng cũng là tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng Việt Nam chọn thang máy.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào có chiến lược phát triển hiện đại, nhân văn, bền vững, bảo vệ môi trường và trên hết là hướng tới lợi ích cộng đồng sẽ nhận được sự ủng hộ từ số đông người tiêu dùng. Đó cũng là chiến lược phát triển tất yếu mà các doanh nghiệp trên thế giới đều hướng tới, là xu hướng phát triển tích cực, một “cuộc chạy đua” bảo vệ môi trường mà ai không tham gia sẽ bị tụt hậu, sẽ bị đào thải.